Những điều cần biết về nhượng quyền kinh doanh

Sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế mở ra ngày càng nhiều những cơ hội, cách thức kinh doanh kiếm tiền. Thay vì cần phải dành một thời gian dài nghiên cứu phát triển tên tuổi một thương hiệu, một sản phẩm hoàn toàn mới như tiến trình kinh doanh thông thường, nhượng quyền cho phép chủ đầu tư kiếm tiền nhanh chóng ngay từ những thương hiệu đã xây dựng sẵn từ trước của người khác. Tất nhiên, để có thể vận hành được một cơ sở kinh doanh nhượng quyền, nhất là nhượng quyền ngành F&B, các chủ đầu tư vẫn cần một chặng đường dài nỗ lực tự tìm tòi và phát triển.

Nhượng quyền kinh doanh là gì?

Nhượng quyền có thể hiểu đơn giản là cho phép một cá nhân, tổ chức nào đó kinh doanh một sản phẩm, một mô hình, một cách thức kinh doanh dựa trên hình thức và phương pháp kinh doanh đã có trên thị trường từ trước.

Trong giao dịch này, bên nhượng quyền cung cấp các sản phẩm, công thức, mô hình, cách thức kinh doanh cho bên mua nhượng quyền. Đổi lại, bên mua nhượng quyền cần trả một số tiền nhượng quyền nhất định hoặc một phần trăm doanh thu nào đó từ việc kinh doanh sản phẩm. Tùy vào từng trường hợp, thương hiệu và hoàn cảnh, các điều kiện trao đổi này sẽ linh hoạt tùy theo thỏa thuận của hai trong hợp đồng.

Nhuong Quyen 1

Một vài thương hiệu nhượng quyền trong ngành F&B

Hình thức này được cho là bắt nguồn từ Mỹ, thế nhưng, một vài người tin rằng nhượng quyền đã xuất hiện trước đó tại Trung Quốc. Thương vụ nhượng quyền kinh doanh đầu tiên được công nhận là vào năm 1851 với một thương hiệu máy khâu của Mỹ.

Một số mô hình nhượng quyền phổ biến hiện nay

Nhượng quyền kinh doanh toàn diện

Điểm nhận diện loại hình này là mức độ chặt chẽ tương đối cao giữa người bán và người mua nhượng quyền. Hợp đồng nhượng quyền kinh doanh toàn diện thường có thời hạn tương đối dài, có thể đến 20-30 năm, và nhượng quyền ít nhất 4 loại “tài sản” quan trọng của một thương hiệu:

  • Hệ thống (chiến lược, mô hình, quy trình vận hàng được chuẩn hóa, chính sách quản lý, cẩm nang điều hành, huấn lyện, tư vấn & hỗ trợ khai trương, kiểm soát, hỗ trợ tiếp thị, quảng cáo)
  • Bí quyết công nghệ sản xuất/kinh doanh
  • Hệ thống thương hiệu
  • Sản phẩm/dịch vụ.
Nhuong Quyen 2

Nhượng quyền toàn diện thường phải trả hai loại phí: phí nhượng quyền ban đầu và phí hoạt động

Người mua nhượng quyền trong loại hình này thường phải trả hai loại phí: phí nhượng quyền ban đầu (up-front fee) và phí hoạt động (royalty fee). Phí nhượng quyền ban đầu là một khoản tiền lớn trả ngay khi ký kết, còn phí hoạt đông được tính bằng một khoản phần trăm doanh số định kỳ của cơ sở nhượng quyền.

Tất nhiên, ngoài hai khoản phí này, các chủ mua nhượng quyền vẫn cần chi trả các chi phí cửa hàng, thiết kế, mua trang thiết bị, quảng cáo hay chênh lệch khi mua nguyên vật liệu từ công ty chính hãng.

Nhượng quyền kinh doanh không toàn diện

Về cơ bản, các nguyên tắc quản lý, thành tố được nhượng quyền không toàn diện “lỏng lẻo” hơn so với nhượng quyền toàn diện. Đa số các hợp đồng nhượng quyền này chỉ nhượng quyền một trong số các loại “tài sản” sau:

  • Nhượng quyền phân phối sản phẩm: Theo đó, bên nhận nhượng quyền không trực tiếp sản xuất ra sản phẩm mà chỉ tập trung vào khâu phân phối ra thị trường. Một số thương hiệu nhượng quyền phân phối sản phẩm quen thuộc là: Trung Nguyên (chuỗi cà phê), Pierre Cardin (áo sơ mi cao cấp).
  • Nhượng quyền công thức sản xuất và tiếp thị: Ở hình thức này, bên bán nhượng quyền cung cấp quyền kinh doanh và hỗ trợ các hoạt động tổ chức, vận hành, tiếp thị cho bên mua nhượng quyền. Coca Cola là một thương hiệu điển hình đang áp dụng.
  • Cấp phép sử dụng thương hiệu: Thay vì nhượng quyền sản phẩm hay công thức, hình thức này nhượng quyền sử dụng thương hiệu, tên tuổi cho việc sản xuất các mặt hàng không chung ngạch, ví dụ thương hiệu đồ uống nhượng quyền với hãng thời trang. Các thương hiệu này thường có giá trị tương đối cao và có lượng fan nhất định, ví dụ Pepsi (đồ uống) cấp phép cho các hãng áo phông in logo của mình, Disney (hãng phim hoạt hình) cấp phép hình ảnh cho các sản phẩm đồ chơi, đồ gia dụng…
Nhuong Quyen 3

Một chiếc áo phông thương hiệu địa phương mua nhượng quyền hình ảnh của Pepsi

  • Nhượng quyền theo kiểu dùng chung tên hiệu: Loại hình này thường xuất hiện ở các công ty cung cấp dịch vụ chuyên môn cao, các loại tư vấn kinh doanh, pháp lý như KPMG, E&Y…

Nhượng quyền có tham gia quản lý

Hình thức này đặc biệt phù hợp với các thương hiệu dịch vụ, yêu cầu cao về chất lượng liên quan đến nguồn nhân lực, cụ thể là ngành nhà hàng khách sạn. Trong mối quan hệ nhượng quyền này, bên nhượng quyền hỗ trợ cung cấp người quản lý và bộ phận điều hành doanh nghiệp cho bên mua nhượng quyền.

Điều này vừa giúp thương hiệu quản lý được chất lượng chuỗi, vừa hỗ trợ tốt nhất cho việc chuyển giao công thức, mô hình kinh doanh. Các chuỗi khách sạn lớn như Holiday Inc hay Marriott hiện nay đang sử dụng hình thức này.

Nhượng quyền có tham gia đầu tư vốn

Khi bên bán muốn tham gia sâu hơn vào công việc kinh doanh của bên mua nhượng quyền, hình thức này sinh ra cho họ. Theo đó, thương hiệu đầu tư một phần vốn vào cơ sở nhượng quyền dưới dạng liên doanh. Thương hiệu Five Star Chicken (Mỹ) bán nhượng quyền tại Việt Nam theo mô hình này.

Những điểm cần lưu ý khi quyết định mua nhượng quyền kinh doanh

Nghiên cứu thị trường kĩ càng

Dù là bắt đầu khởi sự doanh nghiệp mới hay mua nhượng, điều đầu tiên bất cứ chủ quán nào cũng cần làm là nghiên cứu thị trường. Liệu loại sản phẩm bạn định mua nhượng quyền có phù hợp với thị trường không? Thương hiệu này thực chất có tốt như bạn nghĩ? Địa điểm, không gian, quy mô này liệu có phù hợp với thực khách ở khu vực này? Thời điểm thu hồi vốn là bao nhiêu và bạn có chấp nhận được mức này không?

Nhuong Quyen 4

Hãy nghiên cứu thật kĩ trước khi quyết định bỏ tiền vào giỏ thương hiệu nào

Chưa kể là, với một số thương hiệu nhất định, quy định về mặt bằng, khoảng cách địa lý giữa các cửa hàng… còn là một điều khoản bắt buộc của nhượng quyền. Hãy nghiên cứu thật kĩ càng trước khi đưa ra bất cứ quyết định nào.

Tính pháp lý của hợp đồng, thương hiệu nhượng quyền

Nếu không muốn mất một số tiền lớn mua nhượng quyền để sau đó hàng loạt các cửa hàng cùng tên mở ra cạnh tranh mà không tốn xu nào, hãy kiểm tra chắc chắn thương hiệu đã đăng ký bản quyền, được pháp luật bảo hộ.

Nhuong Quyen 5

Kiểm tra kĩ điều khoản về quyền lợi cũng như nghĩa vụ trong hợp đồng nhượng quyền là cách để bảo vệ công việc kinh doanh trong tương lai

Bên cạnh đó, hãy kiểm tra kĩ càng các điều khoản, quyền lợi cũng như nghĩa vụ của mình trong hợp đồng nhượng quyền. Hãy đảm bảo rằng công việc kinh doanh trong tương lai sẽ không gặp trục trặc vì những sơ suất, bất cẩn lúc ban đầu.

Chi phí phát sinh

Bên cạnh chi phí mua nhượng quyền cũng như khoản phần trăm doanh thu phải trả cho thương hiệu, các cơ sở kinh doanh cũng phải chịu không ít chi phí phát sinh. Ngoài các chi phí cửa hàng nào cũng có như mặt bằng, thiết bị, nhân viên… các cửa hàng còn phải chi thêm nhiều khoản để đảm bảo tính đồng nhất với thương hiệu như trang trí, thiết bị, sắp đặt cũng như nguyên vật liệu mua chính hãng.

Tính nhất quán và không tự do sáng tạo

Mua nhượng quyền đồng nghĩa với việc cơ sở kinh doanh đi theo một định hướng, khuôn khổ định sẵn. Các chủ quán dường như không có cơ hội để phát triển hay sáng tạo gì trong công việc kinh doanh. Nếu cố tình thay đổi một điều nào đó, đôi khi bạn còn gặp rủi ro bị tước quyền kinh doanh hay rắc rối về các điều khoản.

Rủi ro và cạnh tranh đến từ các cửa hàng khác

H6: Các cửa hàng nhượng quyền chung trong chuỗi cũng là một loại rủi ro của các chủ đầu tư cho hình thức này

Với các hãng, thương hiệu là một món hàng họ có thể bán được cho nhiều người. Họ bán cho bạn, và họ cũng có thể sẽ bán cho hàng chục, hàng trăm người khác. Sự cạnh tranh giữa các cửa hàng trong chuỗi nhượng quyền có thể là một bài toán đau đầu cho chủ đầu tư.

Bên cạnh đó, các cửa hàng trong chuỗi đôi khi có ảnh hưởng tiêu cực đến nhau. Nếu một cửa hàng có phốt với khách hàng, tai tiếng không chỉ dừng lại ở đó mà các cơ sở khác cũng có thể vạ lây.

KẾT

Mua nhượng quyền kinh doanh là một xu hướng, một cơ hội kinh doanh tốt nhưng cũng là một thách thức không hề nhỏ với bất cứ ai, đặc biệt là lĩnh vực dịch vụ. Một điều bạn cần làm là tìm hiểu thật kĩ, hiểu rõ cách vận hành của nhượng quyền, những giá trị mình đang sở hữu cũng như hướng đến để tính toán và tìm ra lựa chọn phù hợp nhất cho cơ sở kinh doanh của mình.

Nguồn: Fnbvietnam

Bài viết liên quan

VNFranchise - Trang Nhượng Quyền Thương Hiệu Số 1 Việt Nam

Đăng Ký Nhận Tin Tức Mới Nhất Về Nhượng Quyền Thương Hiệu

vnfranchise vnfranchise