Nhận về nhiều ý kiến “chê bai” ngay khi mới ra mắt, rất nhanh chóng, tình huống đã được đảo ngược khi bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk đang trở thành một trào lưu trên mạng xã hội.
Ngày 6/7, CTCP Sữa Việt Nam – Vinamilk (mã: VNM) chính thức công bố nhận diện thương hiệu mới. Với sự thay đổi này, thương hiệu sữa “quốc dân” của Việt Nam muốn nâng tầm thương hiệu với chiến lược và định vị mới.
Đây là bộ nhận diện thương hiệu mới sau gần 5 thập kỷ, được chuẩn bị kỹ càng trong khoảng thời gian một năm.
Logo mới của Vinamilk được cập nhật từ dạng phù hiệu (emblem) sang dạng biểu tượng chữ (wordmark). Chữ “Vinamilk” được viết nét tay đơn giản, thể hiện bản sắc “luôn là chính mình” như tinh thần mới của thương hiệu.
Điểm nhấn của logo mới là nét cười trên chấm chữ “i” làm tăng cảm giác thân thuộc về một thương hiệu chăm sóc sức khoẻ. Hình ảnh giọt sữa ở phần bụng chữ cái “a” trong Vinamilk cùng dòng chữ “Est 1976” gợi nhắc về những giá trị đã làm nên chỗ đứng của Vinamilk trong lòng người tiêu dùng trong suốt gần 5 thập kỷ qua.
Chia sẻ tại sự kiện công bố, bà Mai Kiều Liên, Tổng giám đốc Vinamilk, cho biết: “Nỗ lực tái định vị đánh dấu bước đầu tiên của chúng tôi để hiện đại hóa trải nghiệm và tạo đà bứt tốc trong tương lai.”
Đại diện Vinamilk cho biết trong dự án lần này, công ty đã làm việc với những chuyên gia thiết kế, từng có kinh nghiệm làm việc với nhiều thương hiệu toàn cầu như Apple, AirBnb, Starbucks… Theo bà Liên, đội ngũ chuyên gia quốc tế đã soạn thảo bản kế hoạch dài tới 500 trang, mô tả chi tiết về dáng dấp của thương hiệu Vinamilk mới.
Đơn giản có nhàm chán, phá bỏ có rủi ro?
Trong ngày đầu tiên xuất hiện, bộ nhận diện thương hiệu mới của Vinamilk đã nhận nhiều ý kiến từ người tiêu dùng và giới chuyên môn. Nhiều ý kiến cho rằng bộ nhận diện mới quá đơn giản và nhàm chán, đặc biệt không kế thừa gì từ bộ nhận diện lâu đời trước đây. Theo một số đánh giá từ nhiều người, việc này có thể gây rủi ro cho thương hiệu, khiến người tiêu dùng sẽ không thích nghi được với hình ảnh nhận diện hoàn toàn khác biệt so với trước kia của thương hiệu.
Tuy nhiên, mọi chuyện nhanh chóng thay đổi khi vào tối 9/7, Vinamilk đã tạo ra một trào lưu mới cho người dùng mạng xã hội hưởng ứng. Trên Fanpage chính thức, hãng sữa đã tung ra bộ công cụ giúp người dùng sáng tạo logo tùy ý với phong cách mới của Vinamilk.
Ngay sau đó, mạng xã hội tại Việt Nam được phủ kín bởi màu xanh dương và font chữ của Vinamilk. Chỉ tính riêng một bài viết tổng hợp những mẫu logo chế mới đã nhận được hàng nghìn lượt tương tác.
Chiến lược marketing của Vinamilk rất đơn giản khi cung cấp một công cụ giúp tạo ra những mẫu logo giống với bộ nhận diện thương hiệu mới. Người dùng nhập tên (từ 6 – 10 ký tự) kèm năm sinh, sau đó bấm nút “Trình làng”, website sẽ tạo ra mẫu logo theo tên giống logo thương hiệu.
Mặc dù đơn giản, nhưng đã tạo ra một “trend” ngắn hạn khi đã có rất nhiều nhãn hàng, thương hiệu, cá nhân,…. tham gia sáng tạo cho mình những avatar riêng biệt, hài hước, thú vị, chẳng hạn “Durex: Chặn em bé từ 1915”. Sự hưởng ứng này dường như ngầm khẳng định: Đơn giản không có nghĩa là nhàm chán!
Thực tế đã chứng minh, logo của những thương hiệu đáng giá nhất thế giới có thiết kế tối giản nhưng tính biểu tượng rất mạnh mẽ. Một ví dụ kinh điển là Apple, thương hiệu đắt giá nhất thế giới năm 2022 với giá trị thương hiệu đạt 335,1 tỷ USD, theo báo cáo Global 500 của công ty định giá thương hiệu Brand Finance.
Logo quả táo nổi tiếng với quả táo cắn dở đã trở thành một trong những biểu tượng dễ nhận biết nhất trên thế giới. Nó là một biểu tượng của sự đổi mới, chất lượng và xuất sắc.
Logo của Apple đã trải qua nhiều thay đổi kể từ khi công ty được thành lập vào năm 1976. Từ hình ảnh ban đầu của Isaac Newton đang ngồi dưới gốc cây táo đến kiểu dáng đẹp và hiện đại, logo đã phát triển để đại diện cho các giá trị, sản phẩm và tham vọng của Apple. Mỗi thay đổi thiết kế đã được chế tạo cẩn thận để di chuyển theo thời gian và bổ sung cho hình ảnh thương hiệu của công ty.
Giá trị thương hiệu 2,8 tỷ USD và nỗ lực “vượt qua hào quang chính mình từ những thành công trước đây”
Cũng góp mặt trong bản Báo cáo ngành thực phẩm đồ uống toàn cầu 2022 do Brand Finance công bố, thương hiệu Vinamilk là đại diện duy nhất từ Đông Nam Á trong Top 10 thương hiệu sữa giá trị nhất toàn cầu (vị thứ 6) và Top 5 thương hiệu sữa mạnh nhất toàn cầu (vị trí thứ 2). Tiềm năng phát triển của Vinamilk vẫn được đánh giá rất cao khi trở thành thương hiệu sữa tiềm năng nhất toàn cầu năm 2022.
Giá trị thương hiệu của Vinamilk theo đánh giá đã liên tục tăng từ mức 1,6 tỷ USD năm 2019 đến 2,8 tỷ USD vào năm 2022.
Logo mới lần này của Vinamilk được đầu tư bởi một đội ngũ chuyên gia thiết kế, tư vấn chuyên nghiệp, có kinh nghiệm với các thương hiệu tên tuổi trên thế giới, cho thấy kỳ vọng của thương hiệu sữa lớn nhất Việt Nam ở thị trường toàn cầu trong lần tái định vị này.
Ông Nguyễn Quang Trí, Giám đốc marketing của Vinamilk cho biết: ” Khi làm việc với đội ngũ này, chúng tôi muốn giữ những giá trị di sản của Vinamilk ở Việt Nam, đồng thời tích hợp thêm giá trị hiện đại, đơn giản và trẻ trung, hợp với xu thế của thế giới. Thay vì sử dụng kiểu logo phù hiệu như cũ, các chuyên gia đã tư vấn chúng tôi dùng biểu tượng chữ – được nhiều thương hiệu lớn áp dụng, để phù hợp với chiến lược toàn cầu hóa của Vinamilk “.
Đi ra biển lớn là hành trình khó khăn nhưng hứa hẹn những miền đất hứa. Theo báo cáo của DN, chính các chi nhánh nước ngoài là đầu tàu tăng trưởng cho hoạt động kinh doanh quốc tế và thị trường nước ngoài đã đóng góp 9.252 tỷ đồng doanh thu trong tổng doanh thu hơn 60.000 tỷ đồng của Vinamilk trong năm 2022.
Trong đó, các chi nhánh nước ngoài đạt 4.424 tỷ đồng và xuất khẩu đạt 4.828 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp từ thị trường nước ngoài đạt 3.342 tỷ đồng.
Năm 2023, Vinamilk đặt mục tiêu doanh thu kỷ lục, đạt 63.380 tỷ đồng, tăng 5,5% so với cùng kỳ và lợi nhuận trước thuế là 10.496 tỷ đồng, bằng với năm 2022.
Trong thông điệp của Tổng Giám đốc Mai Thị Kiều Liên, Vinamilk bước vào năm tài chính 2023 với sự thận trọng và quyết tâm chuyển đổi vì chỉ có chuyển đổi mới có thể vượt qua cái bóng của những thành công trước đây để phát huy hết các tiềm năng trong thời kỳ mới.
Ưu tiên ngắn hạn của Vinamilk sẽ là tăng trưởng thị phần và doanh số bán hàng một cách bền vững và có lợi nhuận. Đó là lý do tại sao Vinamilk tập trung vào tối ưu chi phí vận hành để tái đầu tư mở rộng kênh phân phối và củng cố sức mạnh thương hiệu.